
Cơ cấu nguồn vốn của dự án PPP khá đa dạng, phụ thuộc vào tính chất của từng dự án, khung pháp lý của từng quốc gia, tổ chức tín dụng cấp vốn cho dự án. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng vốn đầu tư của dự PPP khoảng từ 10% đến 30%. Phần vốn còn lại, nhà đầu tư phải huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác như vốn vay thương mại, nguồn vốn huy động từ thị trường vốn. Ngoài ra, một số quốc gia hình thành một số nguồn vốn riêng cho các dự án PPP (Ví dụ: Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cung cấp khoản vay với mức lãi suất vốn vay nhất định cho các dự án PPP trong nước).
Phát hành trái phiếu dự án là một công cụ huy động vốn cho các dự án PPP khá phổ biến ở các quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ, Châu âu. Đến đầu những năm 2000, trái phiếu dự án đã bắt đầu phát triển ở các nền kinh tế mới nổi.
Trong năm 2017, phát hành trái phiếu dự án đạt mức kỷ lục với khối lượng phát hành toàn cầu đạt 64 tỷ USD, trong đó lĩnh vực năng lượng huy động 26 tỷ USD. Mỹ tiếp tục là thị trường phát hành trái phiếu dự án lớn nhất với 19 tỷ USD phát hành trong năm 2017, Anh phát hành 8,7 tỷ USD. Các nước có nền kinh tế mới nổi duy trì đà tăng trưởng với khối lượng phát hành đạt 25 tỷ USD, tăng 8 tỷ USD so với năm 2016. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thị trường trái phiếu dự án cũng tăng trưởng nhanh với khoảng 7 tỷ USD phát hành trong năm 2017, tập trung tại Indonesia và Malaysia (1).
Tại sao trái phiếu dự án lại hấp dẫn các nhà đầu tư hạ tầng?
Trái phiếu dự án là loại chứng khoán tiêu chuẩn được phát hành nhằm huy động vốn một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụ thể với mục tiêu phát hành cụ thể. So với khoản vay từ các ngân hàng thương mại, trái phiếu dự án có nhiều ưu điểm như:
Thứ nhất, lãi suất trái phiếu dự án thường lãi suất cố định. Điều này cho phép nhà đầu tư huy động vốn biết chắc chắn chi phí tài chính của dự án (mức lãi suất cố định); từ đó nhà đầu tư dự án sẽ xác định một mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu nhất định.
Thứ hai, nguồn vốn huy động từ trái phiếu doanh nghiệp là nguồn vốn vay dài hạn phù hợp với tính chất của các dự án hạ tầng; trong khi đó các khoản vay tín dụng ngân hàng thường sau 05 năm sẽ phải ký lại hợp đồng tín dụng.
Thứ ba, mức độ kiểm soát của các nhà đầu tư đối với dự án sẽ ít hơn so với các ngân hàng thương mại.
Thứ tư, dự án có thể tiếp cận được nhiều nhà đầu tư từ công chúng cho đến các nhà đầu tư thể chế.
Thứ năm, việc phát hành trái phiếu dự án được quy định cụ thể và tiêu chuẩn hóa nên việc thời gian phát hành (nhất là trường hợp phát hành riêng lẻ thông qua đàm phán giữa doanh nghiệp dự án và nhóm nhà đầu tư nhất định) thường được rút ngắn (khoảng 8-12 tuần) so với huy động vốn vay từ các ngân hàng thương mại (các ngân hàng thương mại có quy định riêng của ngân hàng đối với các khoản vay).
Thứ sáu, trái phiếu dự án có thể dễ dàng giao dịch trên thị trường. Điều này tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư (ví dụ như các công ty quản lý tài sản) đầu tư vào trái phiếu dự án với mong muốn tái cơ cấu lại danh mục đầu tư nhằm thu lợi nhuận và khi cần thiết nhà đầu tư có thể bán.
Tuy nhiên, trái phiếu dự án có nhiều nhược điểm cần phải lưu ý như:
Thứ nhất, huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng theo tiến độ thực hiện dự án; song huy động nguồn/sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu dự án thường không gắn liền với tiến độ dự án dẫn đến chi phí sử dụng vốn gia tăng. Trường hợp dự án phát hành khối lượng trái phiếu lớn hơn nhiều so với nhu cầu sử dụng vốn sẽ dẫn đến dự án sẽ phải chịu lãi suất trái phiếu đối với phần vốn chưa sử dụng. Ngoài ra, trái phiếu dự án có kỳ hạn đáo hạn cố định khi dự án có đủ nguồn vốn để thanh toán các khoản nợ sẽ không thanh toán được.
Thứ hai, cấu trúc của dự án (bao gồm phương án kỹ thuật, tài chính) được cố định tại thời điểm chào bán trái phiếu nên không có cơ hội cho các nhà đầu tư và nhà tài trợ vốn (các nhà đầu tư trái phiếu) thỏa thuận để có thể đưa ra một cấu trúc dự án hiệu quả nhất.
Thứ ba, trường hợp trái phiếu dự án phát hành theo phương thức chào bán ra công chúng thì phải công khai các thông tin của dự án cho công chúng theo quy định của pháp luật. Điều này có thể dẫn đến các bí mật thông tin mà nhà đầu tư dự án không mong muốn.
Thứ tư, phát hành trái phiếu dự án thường phải có sự tham gia của các tổ chức phát hành hoặc các tổ chức bảo lãnh và phải được các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Điều này sẽ làm gia tăng chi phí tài chính, thời gian và phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính. Đối với các thị trường vốn thiếu các tổ chức phát hành và tổ chức bảo lãnh có uy tín có thể tạo ra các rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu dự án.
(1) Project bonds focus 2018