Ông Nguyễn Đăng Trương
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hỏi: Thưa Cục trưởng, Luật PPP số 64/2020/QH14 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Vậy Ông có thể cập nhật về tình hình cũng như tiến độ ban hành dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP không?
Trả lời:
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội hóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là cơ quan chủ trì soạn thảo được giao nghiên cứu, xây dựng 02 Nghị định hướng dẫn Luật PPP gồm: (1) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP; (2) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư.
Dự thảo 02 Nghị định đã được Bộ KH&ĐT đăng tải và gửi đi lấy ý kiến rộng rãi; được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ sau phiên họp thường kỳ tháng 9/2020[1] và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp[2], Bộ KH&ĐT đã gộp nội dung của 02 dự thảo nêu trên thành 01 dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP.
Trên cơ sở các nội dung đã được trao đổi và thống nhất, ngày 30/11/2020, Bộ KH&ĐT đã có Tờ trình số 7906/TTr-BKHĐT trình Chính phủ Hồ sơ Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP.
Hỏi: Vậy Ông có thể trao đổi thêm về các nội dung chính sẽ được quy định tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP không ạ?
Trả lời:
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và thi hành Luật PPP được bố cục gồm 08 Chương, 93 Điều và 05 Phụ lục, tập trung hướng dẫn các nội dung được giao tại Luật PPP và một số biện pháp thi hành, trong đó có một số nội dung chính gồm:
(1) Quy định về lĩnh vực và quy mô đầu tư: Dự thảo Nghị định tiếp tục duy trì định hướng tập trung nguồn lực vào các dự án có quy mô đủ lớn, có sức lan tỏa. Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật (hạ tầng cứng) từ 1.500 tỷ đồng trở lên; hạ tầng xã hội (hạ tầng mềm) từ 100 hoặc 200 tỷ đồng trở lên.
(2) Quy định về Hội đồng thẩm định dự án PPP (về thành lập, cơ cấu tổ chức, hoạt động, trách nhiệm và quyền hạn): Gắn vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong Hội đồng thẩm định với từng nội dung thẩm định trong phạm vi chuyên môn của ngành, lĩnh vực mình và theo phân công của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
(3) Quy định về khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư: Nội dung này được thiết kế dựa trên cơ sở lồng ghép việc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư và việc áp dụng sơ tuyển thông qua bước khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư; nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục và tiết kiệm thời gian trong lựa chọn nhà đầu tư
(4) Quy định về quy trình lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đàm phán cạnh tranh: Bên cạnh hình thức đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu được kế thừa từ Luật Đấu thầu 2013, đàm phán cạnh tranh là hình thức lựa chọn nhà đầu tư mới được quy định tại Luật PPP. Đàm phán cạnh tranh phản ánh xu hướng chung của thế giới nhằm tăng cường đối thoại giữa khu vực công và khu vực tư trong quá trình lựa chọn đối tác tư nhân thực hiện hợp đồng dự án PPP.
(5) Quy định về các nội dung chuyển tiếp của Luật PPP: Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết các trường hợp cần phải chuyển tiếp theo quy định tại Điều 101 Luật PPP đảm bảo việc thực hiện được xuyên suốt, không có khoảng trống pháp lý. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương dừng triển khai các dự án áp dụng loại hợp đồng BT, Nghị định hướng dẫn sẽ quy định rõ các dự án đủ điều kiện chuyển tiếp theo Luật PPP và được sử dụng tài sản công để thanh toán theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 69/2019/NĐ-CP; đồng thời, đề xuất sửa đổi các nội dung chưa phù hợp của Nghị định số 69/2019/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý cho việc thanh toán các Hợp đồng BT đang triển khai
Bên cạnh các nội dung đổi mới nêu trên, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thêm một số nội dung sau: (i) các mẫu lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án; hướng dẫn lập hợp đồng mẫu đối với dự án PPP (tại Phụ lục kèm theo dự thảo Nghị định); (ii) thẩm quyền, nội dung thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư công trong dự án PPP; (iii) ưu đãi đối với nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện dự án PPP tương tự tại các nước OECD; (iv) xác nhận hoàn thành và chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng dự án PPP; chấm dứt hợp đồng dự án PPP đúng thời hạn hoặc trước thời hạn; xử lý vi phạm trong đầu tư PPP...
Hỏi: Sắp tới là thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành, đồng thời ngay khi Nghị định này được Chính phủ ban hành, Ông có lưu ý gì để các cơ quan thực thi quan tâm triển khai thực hiện các dự án PPP trong thời gian tới?
Trả lời:
Luật PPP số 64/2020/QH14 được ban hành, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo đó, khung pháp lý về đầu tư PPP đã cơ bản được hoàn thiện. Để tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút nhà đầu tư PPP trong thời gian tới, một số nội dung cần được lưu ý quan tâm trong quá trình triển khai, cụ thể:
(1) Về mặt pháp lý:
+ Luật PPP đã có chủ trương dừng triển khai các dự án BT mới.Theo đó, cần lưu ý xử lý dứt điểm các dự án BT đang thực hiện ở bước phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đã ký kết hợp đồng và đang triển khai thực hiện, đảm bảo đáp ứng điều kiện chuyển tiếp theo quy định của Luật PPP và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP.
+ Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP cần được triển khai theo quy định thống nhất tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP để đảm bảo tính xuyên suốt của quy trình thực hiện dự án PPP[3].
+ Luật PPP đã có quy định về việc áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP sẽ có hướng dẫn cụ thể, làm cơ sở để thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án PPP. Tuy nhiên, cơ quan thực thi cần lưu ý việc áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu phải được quyết định từ bước phê duyệt chủ trương đầu tư dự án PPP; đồng thời nguồn lực để thực hiện việc chia sẻ giảm doanh thu cần được dự kiến bố trí để có thể áp dụng cơ chế này, đảm bảo không làm thất thoát nguồn lực của Nhà nước.
(2) Về mặt thực thi:
- Năm 2021 là năm bản lề quan trọng trong việc hoạch định và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Do vậy, trong quá trình chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, Bộ, ngành và địa phương cần xác định rõ nhu cầu đầu tư, nguồn lực từ ngân sách có thể huy động; từ đó xác định rõ được phần thiếu hụt và cần huy động từ khu vực tư nhân.
- Từ việc xác định rõ nhu cầu đầu tư, cần lựa chọn được dự án mới để đầu tư PPP một cách bàn bản. Việc thực hiện lựa chọn dự án PPP cần phải thay đổi tư duy từ cơ chế "xin cho" sang cơ chế "phục vụ". Lựa chọn được dự án PPP tốt sẽ giúp thu hút được nhà đầu tư, tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
- Chủ động trong bố trí nguồn lực, nhân lực để tham gia triển khai đầu tư theo phương thức PPP, bảo đảm các cam kết của phía Nhà nước tại Hợp đồng dự án trong việc thực thi thanh toán cho các dự án đầu tư áp dụng loại hợp đồng BTL, BLT, hoặc thực hiện chia sẻ rủi ro.
- Tăng cường công khai minh bạch thông tin các dự án PPP đã, đang và sẽ thực hiện; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để thu hút sự quan tâm của thị trường. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ, ngành và địa phương cần triển khai các phương thức mới và sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến đầu tư.
Cám ơn Ông./.
[1] Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 10/10/2020 của Chính phủ
[2] Báo cáo thẩm định số 241/BC-HĐTĐ ngày 09/11/2020 và số 248/BC-HĐTĐ ngày 12/11/2020
[3] Nội dung về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP đã được hợp nhất tại Luật PPP. Theo đó, Nghị định hướng dẫn sẽ lược bỏ các quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.