Nhiều địa phương đã tạm dừng thực hiện thanh toán cho các nhà đầu tư BT để chờ hướng dẫn. Ảnh: Lê Tiên
Tại Nghị quyết 160/NQ-CP, có những chỉ đạo cụ thể về thanh toán đối với các dự án ký hợp đồng trước ngày 1/1/2018, ký hợp đồng từ ngày 1/1/2018 và các dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư nhưng chưa ký hợp đồng. Tinh thần của Nghị quyết là tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BT đã ký hợp đồng, nhưng phải tiến hành rà soát lại các hợp đồng đã ký và đang thực hiện, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm…
Dù có hướng mở để thanh toán cho các dự án đã ký hợp đồng, nhất là ký trước ngày 1/1/2018, nhưng đến nay, nhiều địa phương vẫn tạm dừng giao đất để rà soát lại.
Theo ông Đoàn Quang Huy, Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư thuộc Sở KH&ĐT Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại các dự án BT đã ký hợp đồng, đã và đang thực hiện. Sở KH&ĐT trong tuần qua đã tổ chức cuộc họp rà soát lại 17 dự án. Qua rà soát cũng có kiến nghị điều chỉnh tại một số hợp đồng. Hiện tỉnh Khánh Hòa vẫn đang dừng thanh toán cho nhà đầu tư BT, kể cả với hợp đồng ký trước ngày 1/1/2018 để rà soát lại, đảm bảo việc thanh toán đúng quy định của pháp luật và chờ hướng dẫn của Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
Việc rà soát lại các hợp đồng BT một cách chặt chẽ là cần thiết, để tránh thất thoát tài sản công, nhất là trong bối cảnh hầu hết các dự án BT đã ký hợp đồng đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, quá trình rà soát cũng phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng hợp đồng.
Bắc Ninh - một trong những địa phương thực hiện khá nhiều dự án BT, cũng đang tạm dừng thực hiện dự án BT để rà soát lại các hợp đồng đã ký kết. Theo một cán bộ phụ trách các dự án BT tại Ban Quản lý dự án xây dựng TP. Bắc Ninh, sau khi Bộ Tài chính có Công văn 3515/BTC-QLCS, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành văn bản tạm dừng thực hiện các dự án BT để rà soát lại quy trình lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng đảm bảo quy định của pháp luật về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư. Sau khi có Nghị quyết 160, UBND Tỉnh có văn bản xin ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục triển khai theo tinh thần Nghị quyết, tuy nhiên, hiện tại Thường vụ chưa có ý kiến, nên vẫn chờ Nghị định của Chính phủ.
Cán bộ này cho biết, hiện các dự án do UBND TP. Bắc Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều tạm dừng thanh toán, kể cả dự án ký hợp đồng trước ngày 1/1/2018, để thực hiện rà soát. Ngoài ra, cán bộ này cho biết thêm, tại Bắc Ninh cũng chưa có dự án nào được thanh toán, vì trong hợp đồng đã ký đều có điều khoản thanh toán sau khi công trình BT hoàn thành.
Ngày 26/2, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai hình thức hợp đồng BT so với các quy định pháp luật liên quan. Còn khá nhiều vấn đề được lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính cần tổng hợp, báo cáo rõ hơn như pháp luật liên quan đến hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá, không thông qua đấu giá; lý do không thể đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất; hình thức thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền đấu giá quyền sử dụng đất; tính pháp lý của việc sử dụng quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng (chưa được coi là tài sản công) để thanh toán. Bộ Tài chính phải làm rõ cơ sở pháp lý của điều khoản chuyển tiếp tại dự thảo Nghị định, trong đó giải trình rõ hơn về sự chưa phù hợp của Điều 1 Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ đối với các hợp đồng BT đã ký trước ngày 1/1/2018.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất cụ thể việc ban hành nghị định này, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Theo một chuyên gia về PPP, việc rà soát lại các hợp đồng BT một cách chặt chẽ là cần thiết, để tránh thất thoát tài sản công, nhất là trong bối cảnh hầu hết các dự án BT đã ký hợp đồng đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, quá trình rà soát cũng phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng hợp đồng, vì cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư là hai bên đối tác bình đẳng trong hợp đồng và rủi ro thay đổi pháp lý ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư.
Thống kê sơ bộ từ dữ liệu của Báo Đấu thầu: Kể từ ngày Nghị định 63/2018/NĐ-CP có hiệu lực (19/6/2018) đến nay có 16 hợp đồng BT đã công khai theo quy định của Nghị định. Trừ một dự án tại Hải Dương (ký hợp đồng ngày 15/6/2018), 15 dự án còn lại ký hợp đồng sau ngày 19/6/2018.
Nhiều dự án có tổng mức đầu tư (TMĐT) lớn, như Dự án Xây dựng Đường tỉnh 289 kéo dài (đoạn từ thị trấn Chũ đi Đồng Đỉnh, nối Quốc lộ 31 với Đường tỉnh 293), đường Nguyễn Thị Minh Khai kéo dài, hệ thống tiêu thoát nước và giao thông khu A, B thuộc Khu đô thị phía Nam TP. Bắc Giang có TMĐT 878 tỷ đồng, nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Đầu tư 379 và Công ty CP - Tổng công ty Cơ khí Xây dựng Thăng Long. Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường H2, TP. Bắc Ninh có TMĐT 660 tỷ đồng, Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là nhà đầu tư. Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đến Quốc lộ 1K, TP. Biên Hòa và Dự án Đầu tư xây dựng đường Phước Bình đoạn từ Quốc lộ 51 đến Khu công nghiệp Phước Bình do Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc tại Đồng Nai là nhà đầu tư có TMĐT khoảng 1.000 tỷ đồng…