Đầu tư theo hình thức PPP (hình thức đối tác công – tư) là quan hệ hợp tác giữa nhà nước và khu vực tư nhân thông qua hợp đồng kinh tế dân sự dài hạn nhằm cung cấp kết cấu hạ tầng và dịch vụ công. Một khung pháp lý phù hợp được quy định thành luật sẽ làđiều kiện cần để cho các dự án PPP thành công.
Có luật nhưng chính sách không ổn định
Mức độ quản lý của nhà nước đối với dự án PPP vừa phải giám sát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà nước và người dân; song phải tạo ra “không gian” nhất định tạo sự chủ động, linh hoạt, khuyến khích sự sáng tạo, áp dụng kỹ năng quản lý và công nghệ của khu vực tư nhân để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Trên thế giới không có một khuôn khổ pháp lý hay mô hình PPP nào được áp dụng giống nhau hoàn toàn. Về cơ bản có thể chia thành hai mô hình: ban hành bộ luật riêng để quản lý các dự án PPP (Hàn Quốc, Philippines ); sử dụng bộ luật hiện hành để điều chỉnh các hoạt động PPP (Úc, Anh).
Qua nghiên cứu cho thấy, một số nước như: Philippines, Indonesia, Nam Phi, Hàn Quốc, các nước Mỹ Latinh… đã ban hành một bộ luật riêng để phát triển hình thức PPP. Hàn Quốc, Philippines là một trong các quốc khu vực Châu Á sớm ban hành đạo luật về PPP. Việc ban hành một bộ luật riêng nhằm tách biệt rõ ràng khung pháp lý PPP với hệ thống luật chuyên ngành khác.
Năm 1990, Philippines chính thức ban hành Luật số 6957 (hay Luật BOT 1990) để tạo khung pháp lý cho các thỏa thuận PPP; năm 2012, nước này đã sửa đổi bộ luật. Ngoài ra, còn ban hành các lệnh điều hành, sổ tay hướng dẫn thực hiện các dự án PPP.
Năm 1994, Hàn Quốc đã lần đầu áp dụng khung pháp lý về PPP thông qua ban hành Luật Xúc tiến đầu tư vốn tư nhân vào dịch vụ công; năm 1998, ban hành luật về sự tham gia của tư nhân vào cơ sở hạ tầng. Luật này tiếp tục được sửa đổi vào các năm 2005 và năm 2011. Để triển khai bộ luật này, Hàn Quốc ban hành Nghị định thực thi Luật PPP; kế hoạch PPP cơ bản và hướng dẫn chi tiết.
Theo quy định của luật PPP, các hoạt động đầu tư theo hình thức PPP được miễn trừ áp dụng các quy định tại các luật khác; trong khi đó, dự án PPP tại Philippines phải chịu sự điều chỉnh của Luật BOT và các luật khác như Luật Cải cách mua sắm của Chính phủ, Luật về quyền mua lại đất.
Tính minh bạch, công bằng, ổn định trong quy định của Philippines và Hàn Quốc còn hạn chế. Thứ nhất, Philippines và Hàn Quốc đều cho phép nhà đầu tư đề xuất dự án; ngoài ra, Philippines còn có quy định cho phép chỉ định nhà đầu tư. Thứ hai, Philippines có quy định về giải quyết tranh chấp, song việc thực hiện rất chậm trễ. Thứ ba, cả hai quốc gia đã có sự sửa đổi, bổ sung Bộ luật PPP nhiều lần dẫn đến tính dự báo của chính sách không cao; làm giảm sự tự tin của nhà đầu tư.
Khung pháp lý ổn định tạo niềm tin cho nhà đầu tư
Úc, Anh là các quốc gia không ban hành bộ luật riêng để quản lý dự án PPP, song đây là các quốc gia có khung chính sách quản lý các hoạt động PPP tốt nhất trên thế giới.
Tại Anh, năm 1992, Thượng nghị sĩ Nigel Lawson đã đưa ra Sáng kiến tài chính tư nhân (PFI) với một số nguyên tắc cơ bản như: Khu vực tư nhân phải chịu các rủi ro của dự án; nên có sự cạnh tranh khi lựa chọn dự án và lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ Ngân khố đã ban hành các hướng dẫn cụ thể để cho các bộ, ngành, địa phương áp dụng khi triển khai thực hiện dự án PPP như: hướng dẫn đánh giá giá trị đồng tiền, lợi nhuận của nhà đầu tư, lãi suất vốn vay trong các dự án PPP…
Năm 2008, Chính phủ Úc đã ban hành Chính sách PPP quốc gia nhằm thống nhất các quy định hướng dẫn PPP riêng lẻ; năm 2015, Úc tiếp tục cập nhật chính sách quốc gia PPP. Ngoài ra, Úc đã ban hành các tài liệu hướng dẫn như: Phân tích lựa chọn dự án, các nguyên tắc thương mại đối với cơ sở hạ tầng kinh tế, hướng dẫn so sánh lựa chọn dự án giữa công và PPP…
Khung chính sách của Anh và Úc đạt được tính minh bạch, công bằng và ổn định cao. Cả hai quốc gia áp dụng đánh giá giá trị đồng tiền để quyết định hình thức đầu tư công hay PPP, đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư (không áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư). Hợp đồng PPP được coi là hợp đồng thương mại giữa chính phủ và nhà đầu tư, hai bên bình đẳng trong quá trình thương thảo, ký kết hợp đồng. Khung pháp lý hiện hành của các quốc gia có tính ổn định cao và có tính dự báo cao; điều này, tạo lòng tin của nhà đầu tư.
Như vậy, sự thành công trong áp dụng hình thức PPP không phải có hay không một bộ luật riêng cho dự án PPP. Điều quan trọng, các quy định của chính phủ phải đảm bảo tính minh bạch, công bằng và ổn định./.