Bảo hiểm bảo lãnh nhiều ưu điểm hơn bảo lãnh ngân hàng
Chiều 26/11, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH) phối hợp với Chi nhánh công ty bảo hiểm bảo lãnh Seoul tại Hà Nội tổ chức buổi hội thảo về vai trò của bảo hiểm bảo lãnh với các dự án PPP.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục QLBH cho biết, mặc dù thị trường bảo hiểm Việt Nam có tốc độ phát triển cao, nhưng bảo hiểm bảo lãnh mới chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên thị trường bảo hiểm.
Trên thế giới, bảo hiểm bảo lãnh đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Đây là công cụ tài chính hữu hiệu để giải quyết rủi ro về thanh toán trong các giao dịch thương mại, qua đó thúc đẩy các giao dịch thương mại và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế
Về bản chất, đặc điểm của loại hình bảo hiểm bảo lãnh do các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện tương tự nghiệp vụ bảo lãnh của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hầu hết ngân hàng yêu cầu khách hàng ngoài việc trả phí bảo lãnh thì phải áp dụng các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ của khách hàng như ký quỹ, cầm cố, thế chấp… Đây là gánh nặng đáng kể đối với khách hàng. Trong khi đó, đối với bảo hiểm bảo lãnh, khách hàng chỉ phải trả phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Chi, Phó trưởng phòng Phòng quản lý, giám sát bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm bảo lãnh đã xuất hiện từ cách đây 180 năm. Đây là sản phẩm đảm bảo nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo lãnh và thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Người được bảo lãnh đóng phí bảo hiểm. Bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Bảo hiểm bảo lãnh có ưu điểm là không cần hạn mức tín dụng, tài sản đảm bảo, công ty bảo hiểm đánh giá và phân tích năng lực và khả năng tài chính của khách hàng, tính khả thi của việc thực hiện cam kết khi cấp bảo hiểm. Bảo hiểm bảo lãnh có thể chuyển giao rủi ro thông qua phương thức tái bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu bảo lãnh trong đầu tư, phát triển. Hơn nữa, quy trình cấp bảo hiểm bảo lãnh nhanh gọn, thủ tục đơn giản.
|
Ông Hwang Sung Yoen, Tổng Giám đốc công ty Sejeong E&C chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc. Ảnh: Đ.M |
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Tuy nhiên, mặc dù có nhiều ưu điểm song bảo hiểm bảo lãnh còn chiếm thị phần khiêm tốn tại Việt Nam. Năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm gốc từ bảo hiểm bảo lãnh mới đạt 48,8 tỷ đồng, chiếm 0,1% tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ. 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu phí bảo hiểm gốc mới đạt 22,76 tỷ đồng, chiếm 0,06% tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ..
Theo bà Hồng Chi, có một số nguyên nhân khiến bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam chưa phát triển mạnh. Về thị trường, đây là nghiệp vụ bảo hiểm mới, doanh nghiệp bảo hiểm chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có đủ thông tin đánh giá tín nhiệm của bên mua bảo hiểm. Mặt khác, tại Việt Nam có thói quen sử dụng bảo lãnh ngân hàng nên việc cấp đơn bảo lãnh cần cho các loại hợp đồng đều do ngân hàng thực hiện, do đó mức độ quan tâm với bảo hiểm bảo lãnh còn thấp.
Về cơ chế chính sách cũng còn nhiều hạn chế, các Luật có liên quan đến chính sách về bảo lãnh còn chưa đề cập đến bảo hiểm bảo lãnh, như là tại Luật Bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Hải quan…Chẳng hạn, hiện Luật Đấu thầu quy định về quy trình ký kết hợp đồng thực hiện các dự án có vốn của nhà nước, nhưng chỉ quy định đơn bảo lãnh ngân hàng và tiền mặt ký quỹ đặt cọc là công cụ đảm bảo mà chưa cho phép thư bảo hiểm bảo lãnh là công cụ đảm bảo. Việc bổ sung quy định này trong Luật Đấu thầu sẽ tạo nền tảng để phát triển dịch vụ bảo hiểm bảo lãnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm bảo lãnh trong dự án PPP tại Hàn Quốc, ông Hwang Sung Yoen, Tổng Giám đốc công ty Sejeong E&C cho biết quy định của Hàn Quốc về nguyên lý chia sẻ rủi ro yêu cầu trong thời gian xây dựng có các loại hình bảo hiểm công trình xây dựng, bảo hiểm tổn thất lợi nhuận dự kiến, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường người sử dụng, bảo hiểm bảo lãnh thực hiện dự án… Trong thời gian vận hành có bảo hiểm công trình đã hoàn thành, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường người sử dụng, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường kinh doanh, bảo hiểm an toàn máy móc thiết bị…
Cơ quan chủ quản phải nhận bảo lãnh thực hiện dự án bằng thư bảo lãnh thực hiện công trình hoặc tiền bảo đảm hợp đồng để đảm bảo thi công đúng thời hạn. Hồ sơ dự thầu phải quy định nội dung yêu cầu như bảo lãnh thực hiện dự án, bảo lãnh dự thầu để thực hiện dự án trong hồ sơ mời thầu.
Qua thảo luận, các chuyên gia tham gia hội thảo đều nhận định việc hoàn thiện hành lang pháp lý là một yêu cầu quan trọng để phát triển dịch vụ bảo hiểm bảo lãnh Việt Nam. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng thời gian tới tại Việt Nam rất lớn, Việt Nam chuẩn bị triển khai nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, đòi hỏi có cơ chế giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các dự án.
Dự thảo Luật PPP vừa được trình Quốc hội quy định nội dung cơ bản của hợp đồng gồm bảo đảm thực hiện hợp đồng, các cơ chế bảo đảm của Chính phủ bao gồm bảo đảm cam kết thực hiện nghĩa vụ của cơ quan ký kết hợp đồng được thảo thuận tại hợp đồng PPP bằng việc sử dụng dịch vụ bảo lãnh của bên thứ 3 trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Theo các chuyên gia, việc đưa quy định bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho các dự án vào Luật PPP là một bước tiến rất lớn về hành lang pháp lý so với các quy định trong những nghị định trước đây. Ngoài bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho các dự án PPP, cần đưa thêm quy định về bảo hiểm doanh thu cho các dự án và chi phí mua bảo hiểm sẽ nằm trong dự toán, tổng mức đầu tư của công trình. Trường hợp doanh thu của dự án không đảm bảo, các công ty bảo hiểm sẽ phải chi trả phần thiếu hụt doanh thu cho nhà đầu tư PPP. |