Di sản là báu vật của quốc gia việc quản lý bảo tồn và phát huy di sản nằm dưới sự quản lý của nhà nước là điều không bàn cãi. Tuy nhiên, một di sản chỉ phát huy hết giá trị của nó khi đến được với cộng đồng. Từ cách tiếp cận đó, nhiều quốc gia đã tách hai chức năng: Quản lý di sản vẫn thuộc về Nhà nước; nhưng việc quản trị và thu phí thì giao cho doanh nghiệp. Đây không phải là mô hình mới, Tháp Eiffel của Pháp, Angkor Wat của Campuchia và rất nhiều di sản thế giới khác đều đang vận hành theo mô hình hợp tác công tư này.

Theo số liệu báo cáo mới đây của Chính phủ, tính đến cuối năm 2018 đã có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng; thông qua đó, huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Những dự án PPP nói chung đã góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân. Quy định hiện hành liệt kê các lĩnh vực Nhà nước khuyến khích việc thực hiện đầu tư theo PPP; trong đó có lĩnh vực văn hóa và du lịch. Việc áp dụng hình thức đầu tư PPP trong ngành công nghiệp văn hóa có thể góp phần tăng các khoản đầu tư cho việc duy trì và bảo tồn các di sản, ứng dụng được công nghệ tiên tiến hiện đại, các sản phẩm trí tuệ của các doanh nghiệp tư nhân, cũng như tác động tích cực đến hiệu quả quản lý di sản văn hóa.

Chính quyền của các địa phương nơi có các di sản văn hóa như Tràng An, Vịnh Hạ Long, Yên Tử đã có nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược về bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới gắn với phát triển du lịch; trong đó có việc đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, bảo vệ, khai thác hiệu quả giá trị của các di sản nói trên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các chủ trương và chính sách khuyến khích, cách làm của mỗi địa phương cũng khác nhau do chưa có một khung pháp lý thực sự.

Rõ ràng hiện nay doanh nghiệp đang rất quan tâm đến cơ hội này vì họ nhìn thấy cả ba góc độ là tài chính, kinh tế; trách nhiệm xã hội trong phát triển xã hội bền vững và tính liên kết, tạo quy mô cho thương hiệu của họ. Để phần nào giải quyết lo ngại của khu vực công khi quyết định giao phần tài sản công cho khu vực tư nhân quản lý; dự thảo Luật PPP trình Quốc hội mới đây đã thiết kế các cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn, cụ thể là giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (trong cả giai đoạn xây dựng và giai đoạn vận hành) nhằm đảm bảo việc thực hiện hợp đồng đáp ứng chất lượng, tiến độ; giám sát của Cơ quan quản lý nhà nước, giám sát của cộng đồng đối với hợp đồng PPP. Đây có thể xem là hướng đi mới trong việc Nhà nước và tư nhân cùng hợp tác và phát triển di sản văn hóa.

Những năm gần đây, việc Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý về PPP từ giai đoạn sửa đổi, bổ sung các nghị định, sớm ban hành thông tư đến hiện nay là xây dựng đạo luật riêng về PPP cho thấy sự chủ trương kiên định và rõ ràng trong việc thúc đẩy các dự án PPP. Quốc tế đã có nhiều quốc gia thành công trong việc áp dụng mô hình PPP vào lĩnh vực di sản văn hóa, trong đó phải kể đến Italia với mô hình bảo trợ (sponsorship). Do vậy, việc áp dụng mô hình PPP trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và khai thác các di sản là hoàn toàn có thể nếu nhận được sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo trong việc tích cực thu hút nguồn lực tư nhân.

    Tổng số lượt xem: 1411
  •