Nguồn vốn vay ưu đãi của ADB hay còn gọi là OCR (Ordinary Capital Resource) áp dụng cho nhiều lĩnh vực như nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, giáo dục, năng lượng, tài chính, y tế và bảo trợ xã hội, công nghiệp và thương mại, quản lý khu vực công, giao thông và công nghệ thông tin, truyền thông, cung cấp nước và cơ sở hạ tầng và dịch vụ khác. Nguồn tài trợ cho OCR bao gồm vốn thanh toán, thu nhập giữ lại (dự trữ) và tiền thu được từ phát hành nợ. Để tài trợ cho hoạt động cho vay OCR của mình, ADB phát hành chứng khoán nợ trên thị trường vốn quốc tế và trong nước. Chứng khoán nợ của ADB có xếp hạng đầu tư cao nhất từ các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế lớn.
Gần đây, ADB đang nghiên cứu xây dựng đề án hỗ trợ phần vốn góp của Nhà nước vào dự án PPP từ nguồn vốn vay ưu đãi OCR. Theo ADB, các lợi ích của khoản vay này mang lại bao gồm: khoản vay giá ưu đãi, loại bỏ rủi ro hối đoá và chuyển đổi ngoại tệ của nhà đầu tư do các khoản vay được giải ngân trực tiếp cho nhà đầu tư. Theo đó, khoản vay này được kỳ vọng mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư với sự tham gia của ADB nhằm giảm thiểu vay nợ của Chính phủ và tạo một công cụ dự phòng cho các nghĩa vụ nợ của Chính phủ. Ngoài cung cấp vốn góp của Nhà nước vào dự án PPP, khoản vay này còn được thiết kế để cung cấp các bảo lãnh doanh thu tối thiểu (MRG), các khoản thanh toán trong trường hợp chấm dứt sớm hợp đồng, cho vay doanh nghiệp nhà nước và các khoản chi khác.
Tuy nhiên, việc xây dựng một khoản vay với cấu trúc nêu trên của ADB cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là khó khăn trong việc đồng bộ hóa với các quy định của pháp luật hiện hành về Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP. Do vậy, trong bối cảnh dự thảo Luật PPP đang được Chính phủ, Quốc hội xem xét, thảo luận, đề án này cần được nghiên cứu và cấu trúc kỹ lưỡng để bổ sung quy định tại Luật nếu cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho việc chào bán ra thị trường.